Mất sữa là cơn ác mộng đối với mẹ sau sinh, đặc biệt là những bà mẹ trẻ. Sự thật “Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” thì chẳng ai là không thuộc lòng. Nhưng mẹ có đủ nguồn sinh dưỡng đó cho con hay không lại là chuyện khác.
Giữa một rừng thông tin từ mạng xã hội, internet đến kinh nghiệm dân gian thì tìm cách làm thế nào để giữ sữa mẹ ổn định lâu dài không phải là điều khó khăn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, thì cách này hay cách khác có hiệu quả hay không cũng đủ khiến mẹ mất ăn mất ngủ. Cùng mẹ Vân điểm lại một số mẹo hay giúp giữ sữa mẹ cho bé yêu nhé!
Thế nào mới đủ sữa cho con bú?
Câu hỏi này hầu hết mẹ bỉm sữa nào cũng thắc mắc sau khi sinh con. Thế nào là ít, thế nào là đủ cho bú? Dù vậy, không phải mẹ nào cũng biết điều này đâu nhé! Cũng có nhiều mẹ chu đáo, đo kĩ lưỡng từng đợt vắt sữa ra để so sánh với lần trước đó, nhưng như thế đã đủ chưa? Vì lượng sữa có thể thay đổi vì rất nhiều lý do khác nhau: như tâm trạng, tinh thần, lúc mẹ hoặc bé mệt mỏi, thời tiết hoặc bé bị đau khiến bé kén ăn,…
Và, theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, để biết sữa mẹ có đủ cho bé bú hay không, mẹ chỉ cần quan sát lượng và màu nước tiểu của con. Theo đó, nếu bé bú mẹ hoàn toàn ít nhất 6 lần/ngày và nước tiểu không có màu vàng sậm là mẹ đã có đủ sữa cho con. Cũng khá đơn giản đúng không?
Làm thế nào để giữ nguồn sữa mẹ ổn định, lâu dài cho con?
Sữa ít nhiều phụ thuốc rất lớn vào cơ địa mỗi người, nếu may mắn mẹ sẽ có lượng sữa rất dồi dào sau sinh mặc dù chẳng cần chăm sóc gì nhiều. Nhưng hiện nay, hầu hết các mẹ đều có một cơn ác mộng chung mang tên “thiếu sữa”. Hi vọng một số mẹo sau đây sẽ giúp mẹ gọi sữa về và giữ được nguồn sữa ổn định cho con yêu.
1. Cho bé bú sớm càng nhiều càng tốt
T ừ khoảng 24-48 tiếng sau khi sinh là khoảng thời gian sữa mẹ bắt đầu có nhiều, sữa mẹ đã được hình thành bên trong các tuyến hình túi ở bầu ngực. Sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng cực lớn và tốt nhất cho trẻ trước khi bé có thể tự thu nạp thức ăn từ bên ngoài
Khi tcác con bắt đầu biết bú, xung động cảm giác – thần kinh từ tuyến vú sẽ truyền lên não, kích thích thùy trước tuyến yên tiết ra prolactin. Chất này vào máu đến tuyến vú kích thích các tế bào tiết ra sữa. Nồng độ prolactin trong máu đạt tối đa vào khoảng 30 phút sau bữa bú, giúp tạo sữa cho bữa bú kế tiếp.
Theo đó động tác bú ti của trẻ cũng tạo nên một phản xạ thần kinh kích thích thùy sau tuyến tiết ra oxytocin. Chất này khi vào máu đến tuyến vú sẽ làm co thắt các tế bào cơ trơn, tống sữa theo các ống dẫn đến các xoang sữa theo các mạch ra đầu núm vú. Trong cơ chế tiết sữa còn có sự tự điều chỉnh lượng sữa được tiết ra. Khi các nang sữa ứ đầy sữa nhưng không thoát được ra ngoài, các tế bào tiết sữa sẽ tiết ít sữa lại. Vì vậy, để vú tiếp tục tạo sữa tốt thì sữa mẹ phải được chảy ra khỏi vú.
Nếu bé không bú được hoặc bú không hết sữa thì mẹ cần phải vắt sữa ra để đảm bảo quá trình sản xuất sữa không bị gián đoạn. Từ cơ chế tạo sữa như trên, để có nhiều sữa, người mẹ cần phải có nhiều prolactin. Việc cho con bú mẹ càng nhiều càng kích thích tuyến yên tiết prolactin giúp vú tiết sữa nhiều hơn. Nói tóm lại, cho bé bú càng nhiều sữa sẽ càng ra nhiều.
2. Mẹ ăn uống đủ chất, đủ bữa để cơ thể khỏe mạnh sẽ đủ sữa
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo sữa mẹ và duy trì lượng sữa ổn định theo từng giai đoạn phát triển của con trẻ. Theo TS. BS Lê Thị Thu Hà, Phó Khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, để có đủ sữa cho con bú, người mẹ phải biết cách ăn uống hợp lý.
Trong thời kỳ cho con bú mẹ, chị em phụ nữ phải có chế độ ăn phong phú, đầy đủ các nhóm dưỡng chất và phân bố theo tỷ lệ hàng ngày.
Ngoài các dưỡng chất cơ bản, mẹ phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các vi chất khác như sắt, DHA, canxi, vitamin A, đặc biệt là vitamin D (400-500UI/ngày) vì hàm lượng vitamin D vốn có rất ít trong sữa mẹ. Việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng quan trọng không chỉ giúp sữa tiết ra nhiều mà còn giúp tăng cường chất lượng sữa mẹ, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của bé.
Tuy nhiên, các mẹ nên lưu ý rằng không phải ăn thật nhiều là sẽ có nhiều sữa. Việc ăn uống quá mức có thể dẫn đến béo phì hoặc gây rối loạn chức năng đường ruột của người mẹ và gây táo bón, các bệnh đường ruột khác cho con trẻ. Thức ăn cho mẹ trong giai đoạn cho con bú cần bổ dưỡng, phong phú chứ không cần vượt quá mức về số lượng. Hãy nhớ rằng những gì bạn ăn cũng là những gì bé hấp thụ, tự ngược đãi bản thân con bạn sẽ không nhận được dòng sữa mát lành, chất lượng.
Cơ thể bạn sẽ rất khó tiết sữa nếu bạn uống ít nước. Đây là sự thật. Vốn dĩ 90% sữa mẹ là nước. Vì vậy, để có sữa nhiều dĩ nhiên không thể nhịn khát. Mỗi ngày người mẹ cho con bú nên nạp vào cơ thể đủ 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm cả nước uống, nước từ canh, súp hoặc các loại nước trái cây, sinh tố…
Vào mùa Hè, lượng nước nên được tăng cường hơn do cơ thể bạn cũng ra nhiều mồ hôi hơn. Việc uống nước nên diễn ra liên tục, không đợi khát mới uống.
Nhiều mẹ có thói quen uống nước chè vằng, lá đinh lăng… để tăng cường tiết sữa và giúp sữa mẹ thơm hơn. Hiện nay chưa có nghiên cứu chứng thực việc này. Tuy nhiên, nó vẫn đem lại những lợi ích nhất định, mẹ cũng có thể áp dụng nếu thích.
3. Tinh thần thoải mái, vui vẻ
Stress, sợ hãi hoặc lo lắng là kẻ thù của sữa mẹ do làm giảm lượng hormone oxytocin – một trong hai hormone quan trọng của cơ chế tiết sữa. Tâm lý sau sinh cực kì quan trọng, mẹ sau phải cực kì chú ý.
Trong tọa đàm “Nụ cười cho mẹ, sữa lành cho con” tại Hội quán các bà mẹ năm 2017, ThS. BS Trần Thị Huyên Thảo từng chia sẻ, một trong những yếu tố quan trọng bên cạnh dinh dưỡng góp phần quyết định chất lượng và hàm lượng sữa mẹ đó là tâm trạng thoải mái và vui vẻ.
Sau sinh, người mẹ thường phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về tâm lý, dễ sốc khi cuộc sống làm mẹ có quá nhiều xáo trộn, dễ căng thẳng, trầm cảm trước áp lực tài chính hoặc sự thờ ơ, lãnh đạm, thiếu cảm thông của người thân, nhất là người chồng đầu ấp tay gối. Vì vậy, dự phòng trước điều này để cuộc sống sau sinh luôn thoải mái, có đủ sức khỏe để tận hưởng niềm vui làm mẹ chính là phương thuốc đơn giản nhất giúp sữa mẹ về ướt áo…
Vì thế, trong thời kì hậu sản, người mẹ phải được nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc – tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày để nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Chỉ cần mẹ luôn vui vẻ và lúc nào cũng có suy nghĩ “sữa luôn đủ cho bé” thì chắc chắn sữa sẽ về.
Nguồn: marrybaby