9 sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh

9 sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Lo lắng thái quá cùng với sự thiếu kinh nghiệm là nguyên nhân khiến nhiều bậc cha mẹ dễ mắc sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Đặc biệt lưu ý 9 lỗi sai thường gặp khi chăm trẻ sơ sinh dưới đây để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của con trong những năm tháng đầu đời, cha mẹ nhé!

Cha mẹ thiếu kinh nghiệm dễ mắc phải những sai lầm khi chăm con
Cha mẹ thiếu kinh nghiệm dễ mắc phải những sai lầm khi chăm con

1. Lắp đặt ghế ngồi cho trẻ trên xe ô tô

Một nghiên cứu được thực hiện trên gần 300 gia đình vào năm 2016 được công bố trên Tạp chí Nhi khoa Hoa Kỳ đã cho kết quả rằng có đến 91% bố mẹ phạm sai lầm nghiêm trọng khi lắp đặt ghế hay đặt bé vào ghế đúng cách. 86% sai lầm là ở vị trí cho bé ngồi và những sai lầm này có thể làm gia tăng nguy cơ bị chấn thương cho trẻ trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Với trẻ sơ sinh, bố mẹ cần lưu ý tránh không để đầu bé bị chúc xuống có thể gây khó thở cho bé. Để làm được điều đó, bố mẹ cần lắp ghế ở đúng góc để giữ cho chân bé hướng lên trên, người ngả về phía sau để bé có thể dễ dàng xoay đầu và thở bình thường. Nếu ghế to quá so với bé, hãy đặt chăn ở hai bên của bé nhưng nên nhớ không nên đặt chăn hay quấn quanh khu vực đầu của bé.

2. Cho bé ngủ sai tư thế

Mỗi năm, vẫn có đến 3500 trẻ tử vong vì những lý do liên quan đến giấc ngủ. Theo hướng dẫn của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ nên được đặt nằm ngửa khi ngủ, nằm riêng trong nôi mà không có bất kì đồ chơi hay phu kiện chăn ga gối đệm nào khác nữa.

Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2015 được thực hiện bởi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy trong 5 bà mẹ sẽ có 1 người thường đặt con nằm ngủ sấp hoặc nghiêng sang một bên, và có đến 39% bà mẹ nói rằng họ sử dụng nhiều phụ kiện chăn ga gối đệm trong nôi của trẻ.

3. Cho bé bú ít hơn nhu cầu

Bé cần bú đủ nhu cầu
Bé cần bú đủ nhu cầu

Rất nhiều bố mẹ thiếu kinh nghiệm nên thường để bé ngủ quá lâu giữa những lần cho ăn, và theo chuyên gia đó là một sai lầm khá nghiêm trọng. Bác sĩ nhi khoa người Mỹ Tanya Altmann cho biết: “Những tuần đầu tiên, bố mẹ cần cho bé ăn 2-3 tiếng một lần, thậm chí ngay cả khi bé chưa đòi ăn.” Sau đó, bố mẹ có thể cho con ăn 3-5 tiếng một lần nhưng trong những tuần đầu tiên, bé cần được đánh thức và cho ăn đều đặn.

Vào ban đêm, nếu bạn vẫn đang làm tốt mọi thứ và bé vẫn đang phát triển bình thường thì bạn hoàn toàn có thể để con ngủ xuyên đêm vào lúc bé được 2-3 tháng tuổi. Nhưng hãy nhớ rằng một vài bé khi được 3-4 tháng tuổi sẽ thức giấc thường xuyên hơn và theo đó bố mẹ cũng sẽ phải cho bé ăn mỗi lần bé thức.

4. Không vỗ ợ hơi cho bé trước và sau khi ăn

Một trong những lỗi bố mẹ thường mắc phải đó là chưa vỗ ợ hơi cho bé. Nếu bé không được vỗ hay xoa để ợ hơi, bé có thể bị trớ sữa hoặc thức giấc và khóc. Sau khi ăn, bé cần được xoa và vỗ để khí trong bụng được thoát ra. Có rất nhiều cách để làm điều này mà bố mẹ có thể thử cho đến khi tìm được cách phù hợp nhất.

Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng chỉ cần cho bé ợ hơi sau khi ăn nhưng các chuyên gia khuyên rằng bố mẹ cũng nên vỗ ợ hơi cho bé ngay cả trước khi ăn nữa. Bố mẹ nên vỗ ợ hơi cho bé ít nhất 2 phút trước khi cho bé ăn, điều này giúp bé không bị trớ khi bú và đầy bụng, bé sẽ ăn ngon hơn và vui hơn.

5. Pha sữa bột sai tỉ lệ

Rất nhiều bố mẹ pha sai tỉ lệ khi pha sữa bột cho bé, hoặc là quá đặc hoặc quá lỏng. Bố mẹ cần đọc hướng dẫn sử dụng thật kĩ trước khi pha sữa cho con. Và ngay cả khi cho con bú, mẹ cũng cần đảm bảo đang cho con bú đúng cách và bé đang nhận được đủ lượng sữa cần thiết. Kiểm tra thường xuyên để chắc rằng bé nhà bạn đang tăng cân và phát triển đúng mức.

6. Để bé nằm trong xe đẩy hoặc nôi quá nhiều

Với sự ra đời của nhiều loại xe đẩy, nôi và các thiết bị ru hiện đại, nhiều bậc cha mẹ ngày nay có xu hướng hay đặt con nằm trong những thiết bị này nhiều mà ít khi bế con. Bác sĩ Tanya khuyến cáo rằng đặt bé nằm quá nhiều không chỉ tạo ra một vùng mềm phía sau đầu trẻ mà việc không giao tiếp đủ với trẻ có thể làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ và dẫn đến nhiều vấn đề khác nữa.

7. Xử lý những cơn sốt sai cách

cha mẹ nên cẩn trọng khi con bị sốt
cha mẹ nên cẩn trọng khi con bị sốt

Những cơn sốt ở trẻ sơ sinh có thể rất nguy hiểm. Nếu bé nhà bạn dưới 3 tháng tuổi và bị sốt trên 38 độ, bạn phải đưa bé đến bệnh viện ngay. Còn đối với trẻ lớn hơn, bố mẹ không nên để những con số trên nhiệt kế làm hoảng loạn. Thay vào đó, hãy bình tĩnh và tìm hiểu kỹ xem con đang bị gì, nguyên nhân có thể là do đâu, những triệu chứng là gì bởi không phải loại sốt nào cũng phải đưa bệnh viện mới chữa được. Các chuyên gia cho biết hầu hết những loại sốt đều vô hại, và có thể chỉ là do nhiễm trùng nhẹ.

8. Giữ con quá ấm hoặc quá lạnh

Một vấn đề đáng quan tâm nữa cho bố mẹ: nhiệt độ phù hợp cho bé. Có nhiều bố mẹ giữ con quá ấm, trong khi đó một số khác lại làm điều ngược lại. Nếu bé bị lạnh, cơ thể bé sẽ phải đốt cháy thêm ca-lo để tăng nhiệt độ cơ thể, trong khi lượng ca-lo đó có thể được dùng để tăng cân một cách lành mạnh.

Bố mẹ cần biết rằng dựa vào tay chân bé để biết được bé đang lạnh hay nóng có thể không chính xác bởi trẻ sơ sinh chưa có được sự tuần hoàn máu tốt. Nhiệt độ phù hợp trong nhà phụ thuộc vào từng mùa trong năm nhưng nói chung nhiệt độ thoải mái cho bé là từ 20 đến 22 độ C.

9. Hay đưa bé đến nơi đông người 

Đưa bé đến nơi có đông người quá có thể là một sai lầm mà nhiều bố mẹ mắc phải, đặc biệt là trong mùa dễ bị cúm và cảm lạnh. Bác sĩ Tanya cho biết: “Trong hai tháng đầu đời, bé của bạn cần được bảo vệ khỏi tiếp xúc với những vi khuẩn và những người mà có khả năng bị ốm. Hệ miễn dịch của bé yếu và vẫn đang trong quá trình phát triển”. Điều đó cũng không có nghĩa là bé không nên ra khỏi nhà. Các chuyên gia khuyến khích bố mẹ cho bé dạo bộ mỗi ngày, nhưng đừng đưa bé đến những nơi đông người bởi đây là những nơi bé có thể bị lây nhiễm vi rút cúm hay những bệnh truyền nhiễm khác.

Thông tin bổ ích cho mẹ:

6 bí quyết tuyệt vời để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ

Điểm danh những kinh nghiệm chăm con “siêu cổ hủ” các mẹ nên tránh

3 điều cấm kị khi chăm sóc trẻ sơ sinh mẹ cần nắm rõ

16 điều mẹ sau sinh đặc biệt chú ý để chăm con tốt hơn

Comments

Lời nhắn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.